Nghiên cứu định loại Tôm hùm ở Việt Nam bằng mã vạch ADN

Nguyễn Anh Hiếu1, Nguyễn Nguyễn Thành Nhơn2, Đặng Thúy Bình3, Dương Văn Sang2, Trương Thị Oanh3, Phạm Thị Hạnh4

1Bộ Khoa học và Công nghệ; 2Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3; 3Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang; 4Viện Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang

Tôm hùm là thực phẩm giàu dinh dưỡng, có giá trị thương mại cao và là đối tượng nuôi chủ lực ở Việt Nam. Tôm hùm là loài được phát triển nuôi phổ biến ở khu vực miền Trung, tuy nhiên phân loại của các loài tôm hùm vẫn chưa được nghiên cứu làm rõ. Trong nghiên cứu này, mẫu của 4 loài tôm hùm phổ biến (Tôm hùm bông- Panulirus ornatus, Tôm hùm xanh - Panulirus homarus, Tôm hùm tre - Panulirus polyphagus và Tôm hùm đỏ - Panulirus longipes) ở miền Trung - Việt Nam đã được thu để nghiên cứu phân loại bằng mã vạch ADN; ngoài ra các mẫu tôm hùm cũng được thu ở nước ngoài phục vụ cho nghiên cứu này gồm các loài tôm hùm P. ornatus thu từ Úc, hai loại P. ornatusP. homarus thu từ Sri Lanka. Mã vạch ADN đã được phát triển để định loại và phân tích mối quan hệ tiến hóa, đa dạng di truyền của các loài tôm hùm. Kết quả nghiên cứu cho thấy tôm hùm loài P. polyphagus có khác biệt di truyền thấp nhất (0-1,3%), trong khi đó loài P. longipes có khác biệt di truyền cao nhất (0-5,3%). Cây phát sinh loài và phân bố các haplotype cho thấy quan hệ gần gũi theo khu vực địa lý của các loài tôm hùm, trong đó các loài tôm hùm P. homarus, P. polyphagus P. longipes có sự tách biệt về nguồn gốc phân bố địa lý thể hiện qua các haplotype đặc trưng. Mã vạch ADN cho phép phân loại 4 loài tôm hùm ở Việt Nam, sự tương đồng của từng loài so với trình tự trên Genbank rất cao, cụ thể: loài P. ornatus là 99,84 –99,98%, loài P. homarus là 99,94-99,98%, loài P. polyphahus là 99,68 – 99,98%,loài P. longipes là 99,07 – 100%. Nghiên cứu góp phần xác định đặc trưng di truyền tôm hùm ở Việt Nam, cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quản lý nguồn lợi và nuôi trồng thủy sản bền vững.

Fulltext

Related

Others